Theo đó, chương trình dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 1-2015 tại tỉnh Sơn La với khoảng 500 đến 700 khách mời trong nước và nước ngoài tham dự. Chương trình được tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá sâu rộng chủ trương, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, trong đó có phát triển du lịch vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng. Từ đó khơi dậy tiềm năng, lợi thế sẵn có, tạo nguồn lực tác động để phát triển nhanh và bền vững trên lĩnh vực du lịch.
Ngoài ra, Ban tổ chức cho biết, việc công bố quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu là cơ sở pháp lý để khai thác có hiệu quả, tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên nhân văn và tự nhiên của Mộc Châu, góp phần tích cực phát triển kinh tế du lịch nói riêng, kinh tế xã hội nói chung của tỉnh Sơn La, vùng Tây Bắc và sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, nguồn tín dụng đầu tư cho sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo đã góp phần quan trọng, là điểm sáng trong triển khai thực hiện mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo bền vững tùng Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Đến ngày 31-12-2014, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn 12 tỉnh Tây Bắc ước đạt hơn 110 nghìn tỷ đồng, tăng 19,49% so với cùng thời điểm năm 2013 và chiếm tỷ trọng khoảng 2,45 tổng nguồn huy động toàn nền kinh tế, đáp ứng 83,32% vốn cho nhu cầu đầu tư tín dụng tại vùng. Tổng dư nợ cho vay tại vùng đến cuối năm 2014 ước đạt hơn 147 nghìn tỷ đồng, tăng 14,45% so cuối năm 2013, chiếm tỷ trọng khoảng 3,72% so tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Riêng đối với vấn đề an sinh xã hội, năm 2013 thông qua Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Bắc được tổ chức tại Tuyên Quang, NHNN đã vận động các ngân hàng tài trợ cho khu vực với số tiền gần 455 tỷ đồng. Bước sang năm 2014, trong bối cảnh kinh tế đất nước khó khăn nhưng với tinh thần tương thân tương ái và trách nhiệm xã hội cao, hệ thống ngân hàng vẫn cố gắng dành một số tiền đáng kể để tài trợ an sinh xã hội cho khu vực Tây Bắc với số tiền cam kết lên tới 333 tỷ đồng. "Trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tín dụng và hoạt động an sinh xã hội vào vùng Tây Bắc để đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng chung theo kế hoạch của toàn ngành; đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của người dân trong khu vực", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cam kết.
HỒNG ANH, Báo Nhân dân - Ảnh: Báo Biên PHÒNG